top of page
icj 1.jpeg

[55] CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI (KỲ 3):TỰ VỆ THƯƠNG MẠI THEO HIỆP ĐỊNH VỀ TỰ VỆ THƯƠNG MẠI (“HIỆP ĐỊNH SG”)

Tác giả: Cao Bình Nguyên, Nguyễn Hoàng Trang, Phùng Đăng Khôi


Tóm tắt: Tự vệ thương mại (Safeguard Measures - “SM”) là biện pháp hạn chế nhập khẩu ("NK") nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi sự gia tăng đột biến của hàng NK, gây thiệt hại nghiêm trọng. Hiệp định về Tự vệ (Agreement on Safeguards - “SG”) là điều ước quốc tế nhằm cụ thể hoá Điều XIX Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (The General Agreement on Tariffs and Trade - “GATT”). Mặc dù, SM được coi là biện pháp “van an toàn” cho các quốc gia nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, tuy nhiên nếu không được sử dụng chặt chẽ và hợp lý, SM có thể là tác nhân châm ngòi cho chiến tranh thương mại. 


Từ khóa: chiến tranh thương mại, Tổ chức Thương mại thế giới, tự vệ thương mại.


1. Khái quát về tự vệ thương mại trong WTO

1.1. Tự vệ thương mại 

1.1.1. Định nghĩa tự vệ thương mại

Điều XIX GATT cho phép một thành viên Hiệp định áp dụng SM để tự vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi sự gia tăng đột biến của bất kỳ sản phẩm NK gây hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp đó.[1] Hiệp định về Tự vệ Thương mại (Agreement on Safeguards - “SG”) là văn bản pháp lý đặt ra các quy tắc áp dụng và cụ thể hoá Điều XIX GATT 1994.[2] Theo đó, SM là việc tạm thời hạn chế NK đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc NK chúng tăng nhanh dẫn tới thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.[3]


1.1.2. Mối quan hệ giữa GATT và SG

Trong vụ Korea - Dairy, Ban Phúc thẩm đã khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa Điều XIX GATT 1994 và SG, bất kỳ hành động tự vệ nào cũng phải tuân thủ các điều khoản của Điều XIX GATT 1994 cũng như các điều khoản của SG.[4] Ban Hội thẩm trong vụ Argentina - Preserved Peaches cũng đã kết luận tương tự.[5


1.2. Các biện pháp tự vệ thương mại

SM có thể có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như phụ thu thuế quan,[6] hạn ngạch[7] hoặc hạn ngạch thuế quan.[8] Trên thực tế, WTO không có quy định về các loại SM cụ thể [9] mà chỉ quy định chung về việc các thành viên nên lựa chọn biện pháp phù hợp nhất.[10] Trong số 89 SM được báo cáo lên WTO từ ngày 01/01/1995 đến 19/02/2009, có 9 biện pháp áp dụng dưới dạng hạn ngạch hoặc hạn chế định lượng, 21 biện pháp dưới dạng hạn ngạch thuế quan, và phần còn lại áp dụng dưới dạng thuế quan.[11]


1.3. Điều kiện áp dụng

Theo Điều XIX GATT 1994 và Điều 2 SG, những điều kiện được đặt ra khi xem xét áp dụng SM là (i) do hậu quả của những diễn tiến không lường trước và kết quả của nghĩa vụ liên quan;[12] dẫn đến (ii) tăng lượng NK, tương đối hoặc tuyệt đối so với sản xuất nội địa;[13](iii) gây hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng do lượng NK tăng lên và (iv) mối quan hệ nhân quả giữa việc tăng lượng NK và thiệt hại nghiêm trọng.[14


1.3.1. Yếu tố những diễn tiến không lường trước  

Theo Điều XIX GATT 1994, "diễn tiến không lường trước" nên được hiểu là những sự kiện mà các nhà đàm phán của quốc gia thực hiện nhượng bộ không thể tiên đoán được vào thời điểm đàm phán diễn ra.[15] Yếu tố “diễn tiến không lường trước” đặt ra hai yêu cầu về tiêu chuẩn chủ quan và khách quan.[16] Với tiêu chuẩn chủ quan, yếu tố này cần được chứng minh một cách hợp lý và đầy đủ,[17] thông qua việc các cơ quan có thẩm quyền quốc gia thảo luận về lý do những diễn tiến này không thể được dự đoán vào thời điểm thích hợp và về ảnh hưởng của diễn tiến không lường trước đó dẫn đến việc tăng NK.[18] Việc chứng minh yếu tố này phải được thực hiện trước khi áp dụng SM.[19] Với tiêu chuẩn khách quan, trọng tâm cần xem xét là những gì lẽ ra có thể hoặc nên được dự đoán trong các tình huống cụ thể.[20] Tiêu chuẩn đánh giá không dựa trên suy nghĩ chủ quan của nhà đàm phán, mà là những gì có thể hợp lý dự liệu được.[21] Yếu tố “diễn tiến không lường trước” cần đi kèm với tác động do việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại GATT, dẫn đến việc tăng NK. 


1.3.2. Tăng lượng NK

Theo Điều 2(1) SG, có hai khả năng tăng về lượng NK, là tăng tuyệt đối và tăng tương đối. Khả năng "tăng tương đối" ngụ ý rằng NK thậm chí có thể giảm, miễn là lượng NK vẫn cao hơn sản xuất trong nước.[22] Ví dụ, lượng NK có sự sụt giảm nhẹ và ngắn hạn trong thời gian gần đây sẽ không làm lu mờ xu hướng tăng đột biến trước đó.[23] Ngược lại, lượng NK không được xem là gia tăng nếu tại thời điểm xác định, lượng NK đó đã giảm mạnh xuống gần bằng không hoặc chạm mức thấp nhất trong toàn bộ giai đoạn điều tra.[24

Bên cạnh đó, không phải tất cả số lượng NK tăng (tuyệt đối hoặc tương đối) đều có thể cho phép một quốc gia sử dụng SM mà việc gia tăng NK phải diễn ra trong thời gian gần đây, với tốc độ đột ngột, quy mô mạnh mẽ và mức độ đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng đến mức có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra "thiệt hại nghiêm trọng".[25]


1.3.3. Gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền công nghiệp nội địa

"Thiệt hại nghiêm trọng" là sự suy giảm toàn diện đáng kể tới vị trí của ngành công nghiệp nội địa,[26] với yêu cầu rất cao về mức độ nghiêm trọng của thiệt hại.[27] Trong vụ US - Safeguard Measure on PV Products (China), theo điều tra của Hoa Kỳ, “thiệt hại nghiêm trọng” được xác định trong vụ việc này là lượng NK tăng 500%, trong khi giá pin giảm gần 60% và hệ quả là một loạt các nhà sản xuất nội địa tuyên bố phá sản cho tới 2017.[28] Kết luận của Ban Hội thẩm cũng đồng nhất với Hoa Kỳ khi xác định những yếu tố được tính đến khi xem xét thiệt hại nghiêm trọng ở đây là việc lượng hàng giá rẻ từ Trung Quốc tăng NK, [29] dẫn đến việc hàng nội địa Hoa Kỳ đánh bị mất thị phần tại chính đất nước mình, [30] suy thoái tài chính, [31] các nhà sản xuất nội địa phải đóng cửa.[32]


"Đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng" là thiệt hại nghiêm trọng "rõ ràng sắp xảy ra". "Sắp xảy ra" xác định thời điểm mà "mối đe dọa" có khả năng trở thành hiện thực, ngụ ý thiệt hại nghiêm trọng được dự báo không chỉ là một rủi ro tiềm tàng, mà đang cận kề, sắp trở thành hiện thực; [33] phải được đánh giá dựa trên cơ sở thực tế chứ không phải là phỏng đoán, viện dẫn hoặc khả năng xa.[34] Việc nhận định liệu có tồn tại “thiệt hại nghiêm trọng” hoặc “ đe dọa thiệt hại nghiêm trọng” tùy thuộc vào tính chất và đặc điểm từng vụ việc.[35] Thực tế, không có sự khác biệt về mức độ hay phạm vi thiệt hại cần được chứng minh giữa hai tình huống trên, điều khác biệt cốt lõi nằm ở thời điểm: "thiệt hại nghiêm trọng" đã xảy ra và "đe dọa thiệt hại nghiêm trọng" rõ ràng sắp xảy ra.[36]


1.3.4. Mối quan hệ nhân quả giữa việc tăng lượng NK gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng

Mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố trên được đánh giá dựa trên việc xác định liệu thiệt hại nghiêm trọng xuất phát từ việc tăng lượng NK hay do nguyên nhân khác.[37] Dù sử dụng phương pháp nào để đánh giá, các cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được mức độ đóng góp "đủ rõ ràng" của việc gia tăng NK đối với thiệt hại nghiêm trọng,[38] và xác định mối quan hệ nhân quả thực sự và đáng kể giữa hai yếu tố đang được xem xét.[39] Việc chứng minh phải dựa trên dữ liệu thực tế và lý luận hợp lý.[40] Việc tăng lượng NK không nhất thiết phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại, bởi cũng có thể đồng thời tồn tại những yếu tố khác gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp trong nước.[41


1.4. Giới hạn của việc áp dụng SM

Việc áp dụng SM không mang tính chất tự do mà cần tuân theo những giới hạn do GATT và SG đặt ra. Ngay cả khi một Thành viên đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của SG để triển khai SM, họ chỉ được phép thực hiện trong phạm vi cho phép,[42] và chỉ để giải quyết hậu quả nghiêm trọng bởi lượng NK gia tăng.[43] Khi áp dụng SM, nếu bị một Thành viên WTO thách thức và đưa ra bằng chứng về sự không phù hợp với Điều 5.1 của SG, quốc gia áp dụng phải giải trình trước Ban hội thẩm rằng các SM chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại và cho phép điều chỉnh lại biện pháp.[44]


1.5. Thủ tục điều tra để xác định điều kiện áp dụng SM

Theo Điều 3 SG, thực hiện điều tra là quy trình bắt buộc đối với thành viên WTO trước khi áp dụng bất kỳ SM nào trên cơ sở SG khi xét thấy có có thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp trong nước.[45] Điều tra được thực hiện bởi chính phủ quốc gia và sau khi điều tra kết thúc, chính phủ chính thức đưa ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng SM.[46]

SG đã đưa ra một vài nguyên tắc cơ bản về khâu điều tra. Thứ nhất, nhằm đảm bảo tính minh bạch, quốc gia khởi xướng điều tra cần thông báo công khai về quyết định này của mình tới tất cả các bên liên quan, thực hiện điều trần công khai và công khai nội dung báo cáo kết luận điều tra.[47] Thứ hai, các bên liên quan phải được đảm bảo cơ hội trình bày chứng cứ, lập luận và phản biện.[48] Cuối cùng, đối với bất kỳ loại thông tin nào là thông tin mật được cung cấp trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin, không được phép tiết lộ nếu chưa được sự cho phép của bên cung cấp.[49]


2. Đánh giá tính hợp pháp của việc áp dụng biện pháp tự vệ trong khuôn khổ chiến tranh thương mại

2.1. Điều 201 Đạo luật Thương mại 1974

Điều 201, Đạo luật Thương mại 1974 là khung pháp lý giúp Tổng thống Hoa Kỳ kích hoạt SM theo Điều XIX GATT 1994.[50] Theo đó, khi doanh nghiệp hoặc Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng ngành công nghiệp nội địa đang phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng, họ có thể đề xuất Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ ("USITC") khởi xướng cuộc điều tra trên cơ sở Điều XIX GATT 1994 và SG.[51] Qua đây, các “hỗ trợ” tạm thời (temporary relief) như thuế quan bổ sung hoặc hạn ngạch có thể được áp dụng nhằm tạo điều kiện điều chỉnh tích cực ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh của hàng NK.[52]


Vào ngày 22/01/2018, USITC đưa ra thông báo Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn việc áp dụng thuế quan tự vệ nhằm cung cấp hỗ trợ tạm thời cho ngành công nghiệp sản xuất máy giặt và pin mặt trời [53] nước này trên cơ sở Điều 201.[54] Tuy nhiên, động thái này đã gặp phải phản ứng từ một vài quốc gia nằm trong phạm vi áp dụng của SM. Cụ thể, Hàn Quốc đã đệ đơn lên WTO yêu cầu tham vấn về vấn đề SM đối với pin mặt trời [55] và máy giặt [56] NK; sau đó Trung Quốc với pin mặt trời.[57] Cả hai quốc gia đều cho rằng SM do Hoa Kỳ áp dụng không tuân thủ các điều kiện về tính hợp pháp do Điều XIX GATT 1994 và SG đề ra.[58]


2.2. Đánh giá tính hợp pháp của biện pháp tự vệ trong thực tiễn

2.2.1. Đánh giá về điều kiện áp dụng  

Trong vụ US – Safeguard Measure on PV Products (China) [59], Ban Hội thẩm áp dụng ba yếu tố để xem xét tính hợp pháp của SM theo Điều XIX GATT 1994:

(i) Về sự tồn tại của diễn tiến không lường trước, trong bản báo cáo bổ sung, USITC cho rằng không thể dự đoán được hậu quả của việc Trung Quốc áp dụng các chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy quá nhanh năng lực phát triển của ngành sản xuất năng lượng tái tạo, dẫn tới dư thừa năng suất và nhanh chóng tham gia vào thị trường Hoa Kỳ.[60] Tiếp theo, USITC cho rằng không thể dự đoán được việc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp pin mặt trời vào năm 2012 (CSPV I) và năm 2013 (CSPV II) không hiệu quả do sự dịch chuyển của các nhà sản xuất Trung Quốc sang quốc gia khác và lượng NK tăng nhanh từ các quốc gia thứ ba.[61] Trái lại, Trung Quốc cho rằng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ mục tiêu kinh tế căn bản của mỗi quốc gia và việc tăng nhập khẩu từ quốc gia thứ ba sau khi áp thuế CSPV I và CSPV II là sự phát triển kinh tế thông thường.[62] Tuy nhiên Ban Hội thẩm cho rằng điều “không thể lường trước” là quy mô, tốc độ và sự dư thừa công suất của chính sách, gây thiệt hại tới các quốc gia nơi nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng hoạt động [63] và những biến chuyển quá nhanh chóng đối với quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu ngay sau khi thuế được áp dụng.[64] Qua đó, có tồn tại “diễn tiến không lường trước” theo Điều XIX:1(a) GATT.[65


(ii) Khi xem xét liệu NK có tăng do “diễn tiến không lường trước” hay không, Hội thẩm xác nhận USITC đã đưa ra bằng chứng rằng các chính sách của Trung Quốc đã dẫn tới sự tăng năng suất và sản lượng vượt trội của pin mặt trời [66] dẫn tới sự tăng nhanh của hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn điều tra. Về lượng NK tăng do sự dịch chuyển dây chuyền sản xuất, USITC đưa ra bằng chứng về việc thị phần trong thị trường Hoa Kỳ của các quốc gia Trung Quốc chuyển dây chuyền sản xuất tới. [67] Trung Quốc phản đối bởi hàng NK tăng không nhất thiết chỉ từ nguồn các quốc gia được mở rộng sản xuất tới mà có thể đến từ nhiều nguồn khác. [68] Tuy nhiên, Ban Hội thẩm không thể bỏ qua việc các nhà sản xuất Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quy mô sang các nước thứ ba cùng thời điểm với khi lượng nhập khẩu từ các nước này tăng nhanh. [69] Vì vậy, Ban Hội thẩm phản đối luận điểm của Trung Quốc và kết luận USITC đã chứng minh được liên kết giữa tăng NK và các “diễn tiến không lường trước”. [70


(iii) “Các nghĩa vụ phát sinh” cần được hiểu là các nghĩa vụ mà quốc gia chịu ràng buộc theo GATT 1994 (ví dụ: nhượng bộ thuế quan).[71] Trung Quốc cho rằng USITC đã không xác định rõ nghĩa vụ phát sinh đối với Hoa Kỳ là gì và cũng không chứng minh được tác động của nghĩa vụ đối với lượng tăng hàng NK.[72] Đáp lại Trung Quốc, Hội thẩm viện dẫn đến báo cáo bổ sung của USITC cho rằng các nghĩa vụ mà Hoa Kỳ ràng buộc khi là thành viên WTO cũng sẽ mở rộng áp dụng với Trung Quốc khi quốc gia này tham gia tổ chức [73] và chính nghĩa vụ WTO đó đã ngăn cản Hoa Kỳ tăng thuế đối với pin mặt trời.[74] Kể cả khi nghĩa vụ miễn thuế pin mặt trời phát sinh trước nghĩa vụ WTO thì những ưu đãi thuế quan vẫn mở rộng đối với Trung Quốc khi họ gia nhập WTO.[75] Và Hoa Kỳ cũng không thể phá bỏ ràng buộc nghĩa vụ phát sinh ngay cả khi nước này đã tăng thuế thông qua thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp.[76]


Ngoài những điều kiện trên, SM hợp pháp cần bảo đảm thêm điều kiện về mối liên hệ nhân quả giữa “lượng NK tăng” và “thiệt hại nghiêm trọng” được cụ thể hoá tại Điều 4(2) SG. Theo đó, quốc gia áp dụng biện pháp cần xác định rõ hai vấn đề: (i) Lượng NK tăng có gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành công nghiệp nội địa không; và (ii) Có yếu tố nào khác ngoài lượng tăng NK cũng gây thiệt hại cho ngành công nghiệp, trong cùng thời điểm không.[77


Những thiệt hại nghiêm trọng mà lượng NK tăng gây ra cho sản xuất trong nước đã được USITC chỉ rõ, bao gồm: Sự xuống dốc của giá cả và thị phần; Điều kiện tài chính suy yếu và Chỉ số hoạt động kém.[78] Phía Trung Quốc tuy không phản đối những thiệt hại này nhưng cho rằng USITC đã không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa lượng NK tăng và những thiệt hại nêu trên.[79] Nhằm trả lời cho tranh cãi các bên, Hội thẩm xác định mối liên hệ nhân quả thông qua ba vấn đề. Thứ nhất, liệu USITC đã chứng minh yếu tố về điều kiện cạnh tranh giữa hàng nội địa và hàng NK gây thiệt hại cho ngành sản xuất. Theo đó, Trung Quốc cho rằng ngành công nghiệp pin mặt trời của Hoa Kỳ không thể tận dụng sự tăng trưởng của thị trường bởi bản chất quá nhỏ so với nhu cầu trong nước, Trung Quốc chỉ duy nhất cạnh tranh với Hoa Kỳ duy nhất tại phân khúc tiện ích [80] nhưng lại có khả năng thay thế cao, giá thành rẻ.[81] Quan điểm không được Hội thẩm tán thành bởi việc ngành công nghiệp nhỏ không có nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi hàng NK.[82] Thực chất, USITC đã chứng minh được rằng ngành sản xuất nội địa vẫn còn năng suất dư thừa nhưng hoàn toàn không thể cạnh tranh với hàng NK giá rẻ trên tất cả các phân khúc.[83] Thứ hai, liệu USTIC đưa ra giải thích đầy đủ và hợp lý về mối liên hệ giữa lượng NK tăng và xu hướng tiêu cực chưa. Về điều kiện giá cả và thị phần, Hội thẩm đồng tình với USITC rằng hàng NK rẻ đã đưa giá pin mặt trời nội địa vào tình trạng bất lợi, mất doanh số do khả năng bị thay thế cao,[84] do đó hàng NK trở thành lựa chọn ưu tiên hơn đối với người tiêu dùng. Hậu quả là tình hình tài chính của ngành sản xuất xấu đi, bị tổn thất hàng trăm triệu USD,[85]  nhiều nhà máy phải đóng cửa.[86] Và thứ ba, liệu USITC đã giải quyết một cách hợp lý mâu thuẫn giữa các xu hướng tích cực và tăng NK trong giai đoạn điều tra chưa. Về căn bản, Hội đồng kết luận rằng mặc dù các yếu tố như năng suất, sản lượng và phân phối sản phẩm; việc làm; chi tiêu vốn, chi phí nghiên cứu và phát triển và giá trị tài sản sản xuất đã phần ít có xu hướng cải thiện trong giai đoạn điều tra, nhưng sự thật rằng có tồn tại lượng NK giá rẻ tăng đột biến, cạnh tranh trực tiếp với ngành sản xuất đã khiến năng suất và sản lượng không thể phục hồi.[87]


2.2.2. Đánh giá về nghĩa vụ tham vấn trước khi áp dụng SM

Điều 8(1) SG và Điều XIX.2 GATT 1994 quy định trước khi áp dụng SM, quốc gia có ý định áp dụng biện pháp cần cố gắng duy trì một mức độ nhượng bộ và các nghĩa vụ khác tương đương với các nhượng bộ được quy định trong GATT 1994 giữa nước đó với các Thành viên xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi SM, theo quy định tại Điều 12(3) SG.[88] Theo Điều 12(3) SG, các Thành viên xuất khẩu sản phẩm phải được cho cơ hội thích hợp [89] để tham vấn ban đầu.[90] Trong đó, Thành viên có ý định áp dụng SM cung cấp những thông tin cần thiết [91] và một khoảng thời gian hợp lý trước khi áp dụng SM [92] để các bên có thể đi đến thỏa thuận về hình thức đền bù thương mại thỏa đáng cho Thành viên xuất khẩu. Do tính chất liên kết của Điều 8(1) và Điều 12(3) SG, một quốc gia khi có ý định áp dụng SM chỉ có thể được coi là đã "cố gắng duy trì" sự cân bằng hợp lý các nhượng bộ khi quốc gia đó cho Thành viên xuất khẩu cơ hội thích hợp để tham vấn ban đầu.[93


Vào ngày 22/01/2018, Tổng thống Donald Trump đã thông qua việc áp dụng hạn chế tự vệ toàn cầu, [94] trong đó có đối với máy giặt.[95] Sau đó, Hàn Quốc kiện Hoa Kỳ lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, cho rằng Hoa Kỳ đã không cho Hàn Quốc cơ hội thỏa đáng để tham vấn ban đầu và không "cố gắng duy trì" sự cân bằng hợp lý các nhượng bộ trước khi áp dụng SM.[96


Thực tế, vào ngày 26/01/2018, 12 ngày trước khi SM có hiệu lực, Hàn Quốc mới được biết về phạm vi và thời điểm có hiệu lực của biện pháp. Theo đó, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã tham vấn vào ngày 01/02/2018. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng họ không đủ thời gian để xem xét SM và chuẩn bị cho việc tham vấn.[97] Hoa Kỳ khẳng định Hàn Quốc đã được cho cơ hội thỏa đáng để tham vấn ban đầu thông qua thông báo như quy định tại Điều 12(1)(b) SG vào ngày 11/12/2017, dựa trên khuyến nghị của USITC.[98] Hàn Quốc khẳng định họ có biết về thông báo và khuyến nghị, tuy nhiên, họ không được biết việc Tổng thống Hoa Kỳ sẽ áp thuế suất trong hạn ngạch với máy giặt và việc Hàn Quốc cũng là đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng của biện pháp.[99] Hoa Kỳ thừa nhận việc thiếu sót thông tin này.[100] Thêm vào đó, Hoa Kỳ lập luận rằng cơ hội cho việc tham vấn vẫn bỏ ngỏ sau ngày SM có hiệu lực, tuy nhiên, Ban Hội thẩm cho rằng Hàn Quốc phải được trao cơ hội thỏa đáng để tham vấn trước khi biện pháp có hiệu lực vào ngày 07/02/2018.[101] Trên cơ sở đó, Ban Hội thẩm cho rằng Hoa Kỳ đã không tuân thủ Điều 8(1) và Điều 12(3) khi áp dụng SM.[102


2.2. Áp dụng biện pháp trả đũa trong khuôn khổ chiến tranh thương mại

SM phá vỡ sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ theo hướng bất lợi cho Thành viên xuất khẩu.[103] Vì vậy, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận đền bù thương mại trong quá trình tham vấn kéo dài 30 ngày, thì trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày SM được áp dụng, Thành viên xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi SM được đình chỉ việc áp dụng các nhượng bộ và các nghĩa vụ khác tương đương theo GATT 1994 để trả đũa, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hội đồng thương mại hàng hóa nhận được văn bản thông báo việc đình chỉ đó và Hội đồng thương mại hàng hóa không phản đối.[104] Tuy nhiên, trong trường hợp Thành viên NK áp dụng SM bởi vì lượng NK tăng tuyệt đối, thì Thành viên xuất khẩu chỉ có thể trả đũa ba năm sau khi SM nói trên có hiệu lực.[105]


Trong khuôn khổ chiến tranh thương mại, Hoa Kỳ đã khởi kiện một vài thành viên WTO, trong đó bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, cho rằng việc Trung Quốc  và Thổ Nhĩ Kỳ  áp thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Hoa Kỳ là vi phạm nguyên tắc tối huệ quốc.[106][107] Phía Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc áp thuế quan bổ sung trên cơ sở Điều 8(2) SG là để trả đũa cho việc Hoa Kỳ áp dụng SM thông qua việc kích hoạt Điều 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại 1962 ("Section 232").[108][109] Tuy nhiên, Ban Hội thẩm của vụ China - Additional Duties và vụ Turkey - Additional Duties đều đi đến kết luận rằng Section 232 không phải là SM mà là biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia,[110][111] do đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều không thể viện dẫn Điều 8(2) để áp thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Hoa Kỳ.[112][113] Bởi lẽ, một thành viên bị ảnh hưởng chỉ được áp dụng Điều 8(2) để trả đũa khi có một thành viên khác áp dụng SM, [114] trong khi đó, Section 232 biện pháp được thực hiện trên cơ sở Điều XXI của GATT 1994.[115] Do đó, Section 232 không phải là SM,[116] không được điều chỉnh bởi SG.[117] Để có thể thực hiện trả đũa đối với những biện pháp không phải là SM, một bên trong tranh chấp có thể đưa vụ việc lên cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.[118] Nếu như vụ việc được giải quyết, và bên đưa ra biện pháp được coi là không phù hợp không tuân thủ với các khuyến nghị và phán quyết, thì bên còn lại có thể đình chỉ việc áp dụng các nhượng bộ và các nghĩa vụ khác tương đương theo GATT 1994 để trả đũa.[119] Việc trả đũa chỉ có thể được thực hiện sau 20 ngày kể từ khi hết thời hạn của quá trình đàm phán việc bồi thường.[120]


3. Kết luận

Trên cơ sở Điều XIX GATT 1994 và SG, SM thường được các quốc gia áp dụng nhằm bảo vệ nền công nghiệp nội địa trong trường hợp lượng NK của một sản phẩm tăng đột biến gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp đó. Đồng thời, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi SM bởi một quốc gia cũng có thể áp dụng các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, trong khuôn khổ chiến tranh thương mại, khi Hoa Kỳ tích cực áp dụng thuế quan, các quốc gia đã không sử dụng biện pháp tự vệ phù hợp quy định của WTO, dẫn đến những tranh chấp pháp lý tại WTO. Trong vụ việc China - Additional Duties Turkey - Additional Duties, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho rằng Section 232 là một biện pháp tự vệ, tuy nhiên, Ban Hội thẩm của cả hai vụ việc đều cho rằng Section 232 là một biện pháp liên quan đến ngoại lệ an ninh. Bài viết tiếp theo sẽ đi đến phân tích biện pháp ngoại lệ an ninh được sử dụng trong chiến tranh thương mại.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (1994) Điều XIX.

[2] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Phần Mở đầu. 

[3]  Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, Điều XIX.

[4]  WTO, Korea – Dairy - Report of the Appellate Body (1999) paras. 76-77. 

[5]  WTO, Argentina - Preserved Peaches -  Report of the Panel (2003) para. 7.12.

[6]  Nguyên gốc: Tariff surcharges - Phụ thu thuế quan là một khoản phí bổ sung do chính phủ một nước áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu.

[7]  Nguyên gốc: Quotas - Hạn ngạch là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất/nhập khẩu ra/vào lãnh thổ.

[8]  Nguyên gốc: Tariff-rate quotas - Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể. Trong khi đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch.

[9] WTO, 'WORLD TRADE REPORT 2009 Trade Policy Commitments and Contingency Measures' (2024) p. 53.

[10] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 5.1. Về “phạm vi cần thiết” để áp dụng SM sẽ được phân tích tại phần “Giới hạn của việc áp dụng SM”.

[11] WTO, 'WORLD TRADE REPORT 2009 Trade Policy Commitments and Contingency Measures' (2024) p. 59.

[12] Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (1994) Điều XIX. Từ “nghĩa vụ” được hiểu là nghĩa vụ theo quy định của GATT.

[13] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 2, Điều 3, Điều 4.

[14] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 5.

[15] GATT, US - Fur Felt Hats - Report of the Intersessional Working Party (1951) para. 9. 

[16] WTO, US – Steel Safeguards - Final Reports of the Panel (2003)  paras. 10.41-10.43.

[17] WTO, US – Steel Safeguards - Final Reports of the Panel (2003)  paras. 10.41-10.43.

[18] WTO, Argentina - Preserved Peaches -  Report of the Panel (2003) para. 7.23.

[19] WTO, US – Lamb - Report of the Appellate Body (2001) para. 72.

[20] WTO, US – Steel Safeguards - Final Reports of the Panel (2003) paras. 10.41-10.43.

[21] WTO, US – Steel Safeguards - Final Reports of the Panel (2003) paras. 10.41-10.43.

[22] WTO, 'WORLD TRADE REPORT 2009 Trade Policy Commitments and Contingency Measures' (2024) p. 53.

[23] WTO, Argentina – Footwear (EC) -  Report of the Panel (1999) para. 8.159.

[24] WTO, Argentina – Footwear (EC) -  Report of the Panel (1999) para. 8.159.

[25] WTO, Argentina – Footwear (EC) - Report of the Appellate Body (1999) para. 131. Tương tự, WTO, Argentina - Preserved Peaches -  Report of the Panel (2003) paras. 7.54-7.55.

[26] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 4(1)(a).

[27] WTO, US – Lamb - Report of the Appellate Body (2001) paras. 124 and 126.

[29] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.119-7.126.

[30] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.129-7.132.

[31] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.145-7.148.

[32] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.154-7.160

[33] WTO, US – Lamb - Report of the Appellate Body (2001) para. 125.

[34]  Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 4(1)(b).

[35] WTO, EU – Safeguard Measures on Steel (Turkey) - Report of the Panel (2022) para. 7.206.

[36] WTO, Ukraine – Passenger Cars - Report of the Panel (2015) para. 7.224. 

[37] WTO, Korea – Dairy - Report of the Panel (1999) paras. 7.89-7.90.

[38] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021), paras 7.75-7.77.

[39] WTO, US – Wheat Gluten - Report of the Appellate Body (2000), para 69.

[40] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.75-7.77.

[41] WTO, US – Wheat Gluten - Report of the Appellate Body (2000), para 67-68.

[42] WTO, US – Line Pipe - Report of the Appellate Body (1999) para. 84.

[43] WTO, US – Line Pipe - Report of the Appellate Body (1999) paras. 250 and 260.

[44] WTO, US – Steel Safeguards - Final Reports of the Panel (2003) paras. 10.15-10.16. 

[45] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 3(1)

[46]  United States International Trade Commision, ‘Understanding Safeguard Investigation’ <https://www.usitc.gov/press_room/us_safeguard.htm> truy cập ngày 04/3/2025.

[47] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 3(1).

[48] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 3(1).

[49] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 3(2).

[50] United States International Trade Commision, ‘Understanding Safeguard Investigation’ <https://www.usitc.gov/press_room/us_safeguard.htm> truy cập ngày 04/3/2025.

[51] Như trên.

[52] Congressional Research Service, 'Safeguards: Section 201 of the Trade Act of 1974' (2021) <https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF10786> truy cập ngày 23/02/2025.

[54] Như trên.

[55]  WTO, US — Safeguard Measures on PV Products - Request for the establishment of a Panel (2018) para 17. 

[56] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Request for the establishment of a Panel (2018) para 14.

[57] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Request for the establishment of a Panel (2019) page 3.

[58] WTO, US — Safeguard Measures on PV Products - Request for the establishment of a Panel (2018) para 13; WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Request for the establishment of a Panel (2018) para 12; TO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Request for the establishment of a Panel (2019) page 2.

[59]  WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.14.

[60] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.24. 

[61] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.21.

[62] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.23.

[63] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.24.

[64] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.27.

[65] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.28.

[66] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.37.

[67] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para  7.41.

[68] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.31.

[69] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.42.

[70] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.42, 7.45.

[71] WTO, Indonesia – Iron or Steel Products (Viet Nam) - Report of the Panel (2017) para 7.52.

[72] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.48.

[73] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.54.

[74] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.56.

[75] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para  7.58.

[76] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.60.

[77] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.73.

[78] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.67.

[79] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.66.

[80] Thị trường Hoa Kỳ gồm 3 phân khúc: dân dụng, thương mại và tiện ích.

[81] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.89.

[82] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.91.

[83] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.91.

[84] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.120, 7.135.

[85] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.145, 7.14.

[86] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.155.

[87] WTO, US – Safeguard Measure on PV Products (China) - Report of the Panel (2021) para 7.171, 7.180, 7.188.

[88] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 8(1)

[89] Nguyên văn: adequate opportunity.

[90] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 12(3)

[91] Trong vụ Korea - Dairy, những yếu tố cấu thành thông tin cần thiết (pertinent information) được liệt kê trong Điều 12.2(b) SG (bao gồm (1) bằng chứng của sự thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa nghiêm trọng do tăng lượng nhập khẩu gây ra, (2) mô tả chi tiết loại sản phẩm liên quan, (3) biện pháp tự vệ sẽ áp dụng, (4) thời điểm áp dụng dự kiến, và (5) tiến độ thực hiện tự do hóa biện pháp này) là những yếu tố bắt buộc và tối thiểu.

[92] WTO, US – Wheat Gluten -  Report of the Appellate Body (2000) para. 136.

[93] WTO, US – Wheat Gluten -  Report of the Appellate Body (2000) para. 146.

[94] Nguyên văn: global safeguard restrictions.

[95] Chad P.Bown và Melina Kolb, 'Trump's Trade War Timeline: An Up-to-Date guide' (2023), <https://www.piie.com/sites/default/files/documents/trump-trade-war-timeline.pdf>, truy cập ngày 22/02/2025.

[96]  WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 3.1

[97] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 7.277

[98] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 7.278

[99] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 7.281

[100] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 7.281

[101] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 7.283

[102] WTO, US — Safeguard Measure on Washers - Report of the Panel (2022) para 7.285

[103] UNCTAD, 'COURSE ON DISPUTE SETTLEMENT - Module 3.8. WTO: Safeguard Measures' (2003) UNCTAD/EDM/Misc.232/Add.16 <https://unctad.org/publication/course-dispute-settlement-module-38-wto-safeguard-measures> truy cập ngày 24/02/2025.

[104] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 8(2)

[105] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 8(3)

[106] WTO, China - Additional Duties - Request for the Establishment of a Panel by the United States (2018).

[107] WTO, Turkey - Additional Duties - Request for the Establishment of a Panel by the United States (2018).

[108] WTO, China - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 2.2, 2.3, 2.4, 7.114.

[109] WTO, Turkey - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 2.4, 2.5, 2.6, 7.9, 7.47.

[110] WTO, China - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.117

[111] WTO, Turkey - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.72

[112] WTO, China - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.120

[113] WTO, Turkey - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.81

[114] WTO, Turkey - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.33

[115] WTO, Turkey - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.79

[116] Hiệp định về Biện pháp tự vệ (1994) Điều 11(1)c

[117] WTO, Turkey - Additional Duties - Report of the Panel (2023) para 7.80

[118] DSU (1994) Điều 3(7), Điều 6

[119] DSU (1994) Điều 22(2)

[120] DSU (1994) Điều 22(2)


bottom of page