top of page
icj 1.jpeg

[54] CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI (KỲ 2): TỔNG QUAN VỀ CÁC CÔNG CỤ PHÁP LÝ VÀ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI

  • Nguyễn Thị Minh Hằng, Trương Hoàng Khôi Nguyên
  • 5 thg 5
  • 23 phút đọc

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Hằng, Trương Hoàng Khôi Nguyên


Tóm tắt: "Thương mại và thuế quan không nên được sử dụng như thứ vũ khí"[1] – tuyên bố Tỷ phú Berkshire Hathaway đã thể hiện lập trường của của doanh nhân đối với cuộc chiến tranh thương mại đang diễn biến hiện nay. Thương mại chưa bao giờ chỉ đơn thuần là sự trao đổi hàng hóa - đó còn là sân chơi của quyền lực, lợi ích và những toan tính chiến lược giữa các quốc gia. Ý thức được những nguy cơ tiềm tàng từ cạnh tranh không công bằng, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thiết lập các cơ chế phòng vệ thương mại nhằm gìn giữ sự cân bằng và ổn định trong hệ thống thương mại toàn cầu. Các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thương mại và trả đũa là những công cụ pháp lý các hiệp định WTO trao cho các quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích thương mại chính đáng. Tuy nhiên, trước các điều kiện nghiêm ngặt của các công cụ phòng vệ nói trên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các quốc gia có thể lẩn tránh các điều kiện trên thông qua các công cụ trong nước. Trong khuôn khổ chuỗi bài về chiến tranh thương mại, kỳ 02 mong muốn mang đến cho bạn đọc các thông tin khái quát về phòng vệ thương mại trong WTO và các biện pháp được thực hiện bởi các quốc gia.


Từ khóa: chiến tranh thương mại, công cụ pháp lý, WTO, phòng vệ thương mại, trả đũa, hạn chế nhập khẩu.


1. Khái quát về các công cụ phòng vệ thương mại theo các Hiệp định của WTO

Ngay từ khi hình thành Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận thấy quá trình thương mại tự do có thể dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa các quốc gia, vì vậy họ đã đưa các quy định liên quan đến các công cụ phòng vệ thương mại trong GATT.[2] Để tránh tình trạng các biện pháp này bị lạm dụng cũng như đảm bảo nền thương mại quốc tế cạnh tranh công bằng, WTO đã thiết lập nên các hiệp định quy định chi tiết hơn về thủ tục, điều kiện khi áp dụng các biện pháp phòng vệ.[3] 


1.1. Biện pháp chống bán phá giá 

Bán phá giá là một hình thức phân biệt giá cả trong thương mại quốc tế.[4] Cụ thể, Điều 2.1 tại Hiệp định Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 - Hiệp định về Chống bán phá giá (Hiệp định AD) quy định một sản phẩm bị coi là bán phá giá nếu sản phẩm được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với mức giá thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.[5] 


Các nguyên tắc về áp thuế chống bán phá giá được quy định trong Điều VI Hiệp định GATT và Hiệp định AD. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có nguyên tắc nào trong các hiệp định này nghiêm cấm hành vi bán phá giá. Bởi vì, WTO có quan điểm rằng hành vi bán phá giá không phải hành vi vi phạm pháp luật mà là chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.[6] Vì vậy, các nguyên tắc về chống bán phá giá được thiết lập nhằm điều chỉnh hành vi áp thuế chống bán phá giá của các quốc gia, đảm bảo rằng các biện pháp ấy không bị lạm dụng vì mục tiêu bảo hộ ngành sản xuất trong nước một cách công bằng.[7]

Việc áp đặt thuế chống bán phá giá chỉ có thể thực hiện khi xuất hiện đồng thời 3 điều kiện sau và được xác định thông qua thủ tục điều tra chống bán phá giá: Hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá (với biên độ phá giá không thấp hơn 2%); yếu tố “tổn hại nghiêm trọng”;[8] có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu bị bán phá giá với thiệt hại nói trên.[9] 


1.2. Biện pháp chống trợ cấp

Theo WTO, trợ cấp được định nghĩa là một khoản tài chính do chính phủ hoặc tổ chức công (trung ương hoặc địa phương) cung cấp cho doanh nghiệp hoặc ngành sản xuất mà lợi ích thuộc về doanh nghiệp hoặc ngành sản xuất ấy.[10] Bên cạnh đó, sự trợ cấp ấy phải đáp ứng điều kiện về tính “cá biệt”, tức là mục tiêu của trợ cấp chỉ hướng đến một hoặc một nhóm doanh nghiệp cụ thể hoặc theo vùng địa lý riêng biệt.[11] 


Khác với hành vi bán phá giá, nếu hành vi bán phá giá không bị xem là bất hợp pháp và chỉ bị xử lý khi gây ra thiệt hại đáng kể, một số loại trợ cấp bị xem là bất hợp pháp và bị cấm bởi tổ chức WTO.[12] Loại trợ cấp này còn được gọi là “trợ cấp đèn đỏ” do tác động tiêu cực của nó có thể gây ra cho các thành viên khác trong tổ chức.[13] Theo Điều 3.1 Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng (Hiệp định SCM), các loại trợ cấp bị cấm bao gồm: trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nhằm ưu tiên sử dụng hàng nội địa.[14] Trong trường hợp trợ cấp đèn đỏ bị phát hiện, thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, các khoản trợ cấp này phải bị rút ngay lập tức và nếu không, các nước khiếu nại có thể áp dụng biện pháp đối phó.[15]


Bên cạnh trợ cấp bị cấm, Hiệp định SCM cũng có quy định về trợ cấp có thể bị đối kháng và trợ cấp không thể bị đối kháng. Trợ cấp có thể bị đối kháng, hay còn gọi là trợ cấp “đèn vàng”, là trợ cấp không bị cấm nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp đối kháng.[16] Đây là trợ cấp có tính cá biệt với đối tượng là một nhóm doanh nghiệp hoặc nhiều ngành công nghiệp nhất định nằm trong vùng địa lý nhất định dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[17] Các nước có thể áp dụng loại trợ cấp này nhưng nếu trợ cấp đó gây ra tổn hại nghiêm trọng cho các nước thành viên khác hoặc cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của các nước thành viên khác thì có thể bị kiện ra WTO.[18] Trợ cấp không thể bị đối kháng (trợ cấp đèn xanh) là những trợ cấp không mang tính cá biệt[19] hoặc những trợ cấp cá biệt nhưng với điều kiện những trợ cấp ấy liên quan đến vấn đề môi trường, nghiên cứu và phát triển, trợ giúp những vùng khó khăn.[20]


Việc áp dụng các biện pháp chống trợ cấp chỉ có thể được thực hiện nếu cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu tiến hành điều tra và đưa ra kết luận chính thức xác nhận sự tồn tại đồng thời của 3 điều kiện sau: Hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp (với biên độ trợ cấp - tức là trị giá phần trợ cấp trên trị giá hàng hóa liên quan - không thấp hơn 1%); Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe doạ thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước (gọi chung là yếu tố “thiệt hại”); Có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng nhập khẩu được trợ cấp và thiệt hại nói trên.[21]


1.3. Tự vệ thương mại 

Biện pháp tự vệ là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.[22] Đây là một trong những ngoại lệ của WTO cho các nước thành viên khi xảy ra tình trạng khẩn cấp của nền kinh tế.[23] Biện pháp này chỉ áp dụng đối với thương mại hàng hoá.[24] Một số biện pháp tự vệ được WTO cho phép bao gồm: hạn ngạch nhập khẩu[25], tăng thuế quan[26].[27] Cơ chế tự vệ thương mại của WTO được quy định trong Hiệp định về biện pháp tự vệ (Hiệp định SG) sẽ được phân tích sâu hơn trong bài viết sau. 


1.4. Trả đũa 

Điều 3.7 trong Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU) quy định trả đũa là biện pháp cuối cùng trong quá trình giải quyết tranh chấp khi những nỗ lực thỏa thuận trước đó giữa các quốc gia là không có hiệu quả.[28] Cụ thể, nếu sau 20 ngày khi ‘thời gian hợp lý để thực thi’ đã hết hạn và các bên không thể đạt được thỏa thuận về bồi thường, bên khiếu nại ban đầu có thể yêu cầu Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) cho phép áp dụng biện pháp trả đũa đối với bên vi phạm bằng cách đình chỉ các nhượng bộ hoặc các nghĩa vụ khác đối với bên vi phạm đó.[29] Trên thực tế, các trường hợp quốc gia gửi đơn yêu cầu cấp phép thực hiện trả đũa đều được DSB thông qua do cơ chế “đồng thuận nghịch” (reverse consensus).[30]


Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp trả đũa phải tuân thủ các điều kiện được quy định trong Thỏa thuận DSU để tránh tình trạng các quốc gia lạm dụng biện pháp này. Trước tiên, biện pháp trả đũa phải áp dụng trên cùng lĩnh vực mà Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm xác định là có vi phạm.[31] Nếu biện pháp này không khả thi hoặc hiệu quả, biện pháp trả đũa trong một lĩnh vực khác hoặc theo một hiệp định khác có thể được áp dụng.[32] Cách tiếp cận này được gọi là “trả đũa chéo” (cross-retaliation). Ngoài ra, Thoả thuận DSU cũng quy định về một số điều kiện khác như: mức độ của biện pháp trả đũa phải tương ứng với mức độ tổn hại[33], không được phép sử dụng biện pháp trả đũa nếu hiệp định giữa hai bên tranh chấp cấm biện pháp tương tự[34], các quốc gia không được phép đơn phương áp đặt biện pháp trả đũa mà phải dựa vào và tuân thủ các nguyên tắc trong Thỏa thuận DSU.[35] 


2. Một số công cụ pháp lý phổ biến mà các quốc gia sử dụng trong chiến tranh thương mại.

2.1. “Chuỗi” công cụ pháp lý của Hoa Kỳ

a. Nhóm các biện pháp liên quan đến bảo vệ ngành hàng trong nước

Mục 201 thuộc Đạo luật Thương mại năm 1974 cho phép Tổng thống áp dụng biện pháp bảo hộ tạm thời đối với mặt hàng nhập khẩu, bằng cách tăng thuế nhập khẩu hoặc áp đặt các rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước sản xuất các hàng hóa tương tự.[36] Theo Mục 201, sau khi nhận được đơn kiện từ một ngành công nghiệp trong nước hoặc có yêu cầu từ Tổng thống,[37] Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) phải tiến hành điều tra để xác định có hay không một mặt hàng “gây tổn thương nghiêm trọng” tới thương mại Hoa Kỳ.[38] Căn cứ vào kết quả điều tra và kiến nghị của USITC,[39] vào tháng 1/2018, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan tự vệ toàn cầu đối với tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt theo Mục 201 của Đạo luật Thương mại năm 1974.[40] Như vậy, Mục 201 nói trên chính là cách thức Hoa Kỳ áp dụng các quy định của WTO về tự vệ thương mại. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp tự vệ nhằm mục đích trả đũa có thể cấu thành vi phạm của quy định WTO và vấn đề này sẽ được phân tích trong kỳ sau.


Mục 301 là tên gọi tắt của “Biện pháp khắc phục từ các hành vi thương mại không công bằng” thuộc Đạo luật Thương mại năm 1974.[41] Mục 301 cung cấp một cơ chế pháp lý để Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên các quốc gia nước ngoài vi phạm các hiệp định thương mại của Hoa Kỳ hoặc thực hiện các hành vi "không thể biện minh" hoặc "không hợp lý" và gây gánh nặng cho thương mại của Hoa Kỳ.[42] Kể từ khi luật được ban hành vào năm 1974 đến năm 2024, đã có 130 vụ việc được khởi xướng theo Điều 301.[43] 


Trong đó, vào tháng 3 năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ, viện dẫn Điều 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để áp thuế 50 tỷ đô la đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khởi đầu cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung.[44] Theo đó, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã có những hành vi thương mại không công bằng với Hoa Kỳ trong việc chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ,[45] có thể kể đến việc Trung Quốc có hành vi trộm cắp IP (Intellectual Property: Sở hữu trí tuệ) của Hoa Kỳ trên mạng hay buộc các công ty Hoa Kỳ chuyển giao công nghệ cho các thực thể Trung Quốc thông qua các quy trình hành chính và hạn chế vốn chủ sở hữu.[46] Tuy nhiên, năm 2020, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO đã đưa ra phán quyết, khẳng định rằng Hoa Kỳ đã không chứng minh được các biện pháp thuế quan Mục 301 áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hợp lý theo Điều XX(a) của GATT 1994[47].[48] [49] Do đó, hội đồng nhận thấy các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ không phù hợp với Điều I:1, II:1(a) và II:1(b) của GATT 1994,[50] do việc áp thuế này chỉ áp dụng cho các sản phẩm từ Trung Quốc và mức thuế áp dụng vượt quá mức thuế mà Hoa Kỳ cam kết trong Biểu thuế nhượng bộ của mình.[51] Phán quyết hiện đang bị kháng cáo và cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng,[52] nguyên nhân một phần có thể xuất phát từ việc Hoa Kỳ chặn cơ quan phúc thẩm của WTO như đã phân tích ở bài trước.[53]


Đặc biệt, vào ngày 9 tháng 4 năm 2025, Tổng thống đã ban hành Sắc lệnh Hành pháp 14269 nhằm “Khôi phục sự thống trị hàng hải của Hoa Kỳ”.[54] Theo đó, Hoa Kỳ sẽ thực hiện một loạt các biện pháp như phí đối với tàu Trung Quốc, thuế đối với cần cẩu tàu - bờ được sản xuất tại Trung Quốc, thuế đối với các thiết bị xử lý hàng hóa khác, sự liên kết các chính sách thương mại với các đối tác và đồng minh, và các ưu đãi tài chính cho đóng tàu trong nước.[55] Các biện pháp này xuất phát từ những nghi ngại của Hoa Kỳ đối với ngành vận chuyển và đóng tàu của Trung Quốc - đang chiếm vị trí thống trị trên thị trường công nghiệp hàng hải thế giới, tạo đối trọng với vị thế của Hoa Kỳ trong nền công nghiệp toàn cầu.[56] Gần đây, Hoa Kỳ cũng đã khởi động thủ tục điều tra theo Mục 301 nói trên đối với ngành thủy sản.[57] Như vậy, Mục 301 không phải là công cụ được thực hiện nghiêm ngặt theo các điều kiện về phòng vệ thương mại của WTO và vì thế có khả năng vi phạm các quy định của WTO.


b. Nhóm các biện pháp liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia

Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962 quy định rằng, vì mục đích "bảo vệ an ninh quốc gia", Bộ Thương mại (DOC) được phép khởi xướng các cuộc điều tra, theo đơn yêu cầu hoặc tự mình, để xác định tác động của việc nhập khẩu bất kỳ mặt hàng nào đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.[58] Dựa trên kết quả của DOC, Tổng thống được ủy quyền thực hiện các biện pháp điều chỉnh việc nhập khẩu một mặt hàng và các sản phẩm phái sinh của mặt hàng đó từ các quốc gia khác nếu thấy rằng việc nhập khẩu mặt hàng đó với số lượng hoặc trong những hoàn cảnh có thể đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia, để giải quyết mối đe dọa đó.[59] Kể từ năm 2017, Điều 232 đã trở thành một công cụ chính để Hoa Kỳ phát động "các cuộc chiến thương mại", sau khi đã không hoạt động trong 16 năm.[60] Hoa Kỳ đã khởi xướng các cuộc điều tra về việc nhập khẩu thép, nhôm, ô tô và phụ tùng ô tô, quặng và sản phẩm uranium, bọt biển titan, máy biến áp, lõi máy biến áp, bộ điều chỉnh máy biến áp và các phụ tùng & phụ kiện khác, cần cẩu di động, vanadium, nam châm vĩnh cửu NdFeB, v.v., và đã thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu, bao gồm áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch thuế quan.[61] Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ đã khởi xướng nhiều cuộc điều tra và thực hiện các biện pháp tăng thuế theo Mục 232 về các rủi ro an ninh do nghi ngại sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các ngành hàng nhập khẩu quan trọng (trong đó bao gồm khoáng sản,[62] chất bán dẫn,[63] linh kiện ô tô[64]). Gần đây, Tổng thống Trump cũng đã khởi động điều tra theo Mục 232 đối với nhập khẩu linh kiện bán dẫn và xe tải.[65]


Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) Hoa Kỳ được ban hành vào ngày 28 tháng 10 năm 1977,[66] trao quyền cho Tổng thống Hoa Kỳ điều chỉnh thương mại quốc tế bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi đất nước đối mặt với một “mối đe dọa “bất thường và lạ thường” đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế của đất nước.[67] Tổng thống Donald Trump là tổng thống đầu tiên sử dụng IEEPA để biện minh cho việc áp thuế và cũng là người đầu tiên viện dẫn đạo luật này trong một cuộc chiến thương mại.[68] Điểm khác biệt giữa IEEPA và Mục 232 chính là Tổng thống được trao quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp cần thiết phủ rộng nhiều loại hàng hóa mà không cần thông qua một thủ tục điều tra đối với mặt hàng cụ thể.[69] Một thực tế có thể nhắc tới là vào tháng 2 năm 2025 Các lệnh áp thuế quan của chính quyền Trump, được ban hành theo IEEPA đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Trung Quốc và Mexico; trong đó bao gồm việc loại bỏ việc miễn thuế de minimis[70].[71] Ở Hoa Kỳ, mức de minimis là $800, nghĩa là các lô hàng có giá trị dưới $800 thường được miễn thuế nhập khẩu;[72] hàng năm, ước tính có khoảng 600 triệu gói hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ theo quy định này[73]. Do đó việc Hoa Kỳ loại bỏ việc miễn thuế de minimis sẽ gây gián đoạn đáng kể đến hoạt động kinh doanh bán lẻ thương mại điện tử quốc tế.[74] Ngoài ra, vào ngày 5 tháng 4 năm 2025, Tổng thống Donald Trump cũng đã sử dụng quyền hạn IEEPA để ban hành một mức thuế quan toàn cầu 10% đối với hầu hết mọi loại hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, bao gồm cả hàng Trung Quốc, nhằm khắc phục “thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng” do các hoạt động thương mại không có tính đối ứng gây ra.[75] Biện pháp trên đã gây ra hai loại phản ứng của các quốc gia liên quan: đàm phán thương mại (EU)[76] và áp dụng các biện pháp “trả đũa” ngay lập tức tới Hoa Kỳ (Trung Quốc)[77], điều này không những làm giảm uy tín của Hoa Kỳ đối với đồng minh mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành thương mại của Hoa Kỳ. 


Cả Mục 232 và Đạo luật IEEPA đều là công cụ viện dẫn ngoại lệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và vì thế cần phải tuân theo các quy định của WTO. Việc áp dụng liên tục các ngoại lệ an ninh có thể dẫn đến các vi phạm các quy định của WTO. Vấn đề này sẽ được phân tích trong kỳ sau. Trong khuôn khổ các phản ứng trong nước, việc áp dụng IEEPA của Tổng thống Trump đang vấp phải nhiều vụ kiện trong nước trên hai cơ sở: (i) Đạo luật IEEPA không quy định thuế quan là công cụ được phép sử dụng và (ii) Không tồn tại tình trạng khẩn cấp nhằm viện dẫn IEEPA.[78]


2.2. Hạn chế xuất khẩu

Hạn chế xuất khẩu là một trong những công cụ pháp lý nổi bật được các quốc gia áp dụng phổ biến trong chiến tranh thương mại. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu được thể hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như thuế xuất khẩu, giá sàn xuất khẩu và giảm hoàn thuế VAT, ảnh hưởng trực tiếp đến giá xuất khẩu.[79] Ngoài ra, còn có các hình thức khác như lệnh cấm xuất khẩu, hạn ngạch và yêu cầu cấp phép, tác động đến khối lượng hàng xuất khẩu.[80] 

Theo Điều XI GATT, hạn chế xuất khẩu là một biện pháp không được WTO cho phép sử dụng.[81] Tuy vậy, trong Điều XXI GATT có đề cập đến ngoại lệ an ninh khi sử dụng các biện pháp không được WTO cho phép. Trong bối cảnh căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố một loạt quy định hạn chế xuất khẩu nhằm hạn chế năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các ứng dụng quân sự của Trung Quốc.[82] Trong trường hợp này, Hoa Kỳ có thể không được coi là vi phạm GATT nếu có những bằng chứng cụ thể, xác đáng về các tác động của Trung Quốc tới an ninh Hoa Kỳ, tương tự Vụ Nga - Các biện pháp giao thông quá cảnh.[83]


2.3. Trả đũa

“Trả đũa” gần như là một trong những hành động tất yếu mà các quốc gia sẽ sử dụng trong chiến tranh thương mại. Khi một quốc gia áp đặt những công cụ hạn chế thương mại lên quốc gia khác mà bị quốc gia đó đáp trả ngược lại bằng những biện pháp tương tự, hành động đó được hiểu là “trả đũa”. Trả đũa thương mại mang tính chất tăng tiến và tương tự, nếu khởi đầu xuất phát từ thuế quan sẽ dẫn đến một hệ thống trả đũa lẫn nhau ngày càng gia tăng thuế quan của mỗi quốc gia, ngoại trừ một số trường hợp nghiêm trọng sẽ không có dấu hiệu chậm lại cho đến khi một quốc gia đơn giản là không thể theo kịp.[84]


Trường hợp điển hình có thể viện dẫn để mô tả trạng thái này là động thái của Hoa Kỳ - Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại khởi nguồn từ năm 2017. Thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc bắt đầu được Hoa Kỳ áp dụng vào tháng 7 năm 2018; sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa, khởi đầu cho cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.[85] Cụ thể, kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Hoa Kỳ đã áp đặt hơn 360 tỷ đô la thuế quan lên các sản phẩm của Trung Quốc, và Trung Quốc đã trả đũa bằng 110 tỷ đô la thuế quan.[86] Ngoài ra, những động thái tăng thuế của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc vào ngày ngày 5 tháng 4 năm 2025[87] đã dẫn tới sự trả đũa qua lại giữa hai bên. Sau cùng, Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu lên tới 245% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ do các hành động trả đũa của nước này, bao gồm mức thuế quan có đi có lại 125%, mức thuế quan 20% để giải quyết cuộc khủng hoảng fentanyl và mức thuế quan theo Mục 301 đối với một số mặt hàng cụ thể, từ 7,5% đến 100%.[88] Ngược lại, Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với mức thuế cao nhất cho tới thời điểm hiện tại là 125% theo thông báo từ chính phủ Trung Quốc.[89]


Như đã đề cập ở phần 2.4, các biện pháp trả đũa phải được sự chấp thuận của DSB; tuy nhiên, các biện pháp “trả đũa” mà Hoa Kỳ và Trung Quốc áp dụng trong chiến tranh thương mại đều không qua thông qua cơ chế tham vấn của DSB. Do vậy, các công cụ pháp lý được các quốc gia sử dụng trong chiến tranh thương mại thường vi phạm các quy định của WTO hoặc không tuân theo đúng tinh thần của WTO. Hành động “trả đũa qua lại” đã tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước, gây ảnh hưởng xấu đến thương mại hai bên, đồng thời khiến cuộc chiến tranh thương mại diễn biến phức tạp hơn.[90]


Kết luận: Bài viết đã tóm lược về các biện pháp phòng vệ thương mại trong WTO và việc các biện pháp trong nội luật, vốn không có các điều kiện nghiêm ngặt như quy định của WTO, được sử dụng như công cụ chiến tranh thương mại. . Việc áp dụng các công cụ pháp lý này, bao gồm cả biện pháp thuế quan và phi thuế quan, đã tạo ra những tác động sâu rộng đối với thương mại quốc tế, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan. Do đó, thay vì theo đuổi các chính sách đơn phương làm trầm trọng thêm căng thẳng, các quốc gia cần hướng đến các cơ chế đối thoại và đàm phán, tận dụng các khuôn khổ pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách công bằng và minh bạch, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Jonathan Stempel, 'Buffett defends trade amid tariff pressures; Berkshire cash sets record' (Reuters, 3 May 2025) 

[2] [81] Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, Điều VI, Điều XI, Điều XIX.

[3] [6] Erdal YALCIN, Hannes WELGE, André SAPIR, Petros C. MAVROIDIS, ‘Trade and Investment Aspects of Sustainable Development: Implementation and Enforcement’ (Workshop on Trade and Sustainable Development, European Parliament, Brussels, June 2019), tr. 27, 48; Xem thêm ‘Article 2: Determination of Dumping’ (World Trade Organization) <https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/antidum2_e.htm>. Truy cập ngày 20/02/2025.

[4] [12] [13] [23] [30] Peter Van den Bossche & Werner Zdouc, The Law and Policy of the World Trade Organization: Text, Cases and Materials (Tái bản lần thứ 5, Nhà xuất bản Đại học Cambridge 2021), tr. 1048, 1197, 961, 322. 

[5] [9] Hiệp định Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 - Hiệp định về Chống bán phá giá, Điều 2, Điều 3, Điều 5(8). 

[7] ‘Anti-Dumping’ (World Trade Organization)   

<https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/adp_e.htm> truy cập ngày 20/02/2025; Xem thêm: Konstantinos Adamantopoulos và Diego De Notaris, ‘The Future of the WTO and the Reform of the Anti-Dumping Agreement: A Legal Perspective’ [2000] 24(1) Fordham International Law Journal 30, tr. 33.

[8] Yếu tố “tổn hại” theo Hiệp định AD quy định là thiệt hại vật chất đối với một ngành sản xuất trong nước, đe dọa gây ra thiệt hại vật chất đối với một ngành sản xuất trong nước và hoặc làm chậm quá trình hình thành một ngành sản xuất. 

[10] [11] [14] [19] [20] [21] Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng, Điều 1, Điều 2, Điều 3(1), Điều 8(1), Điều 8(2), Điều 11, Điều 15. 

[15] Subsidies and Countervailing Measures’ (World Trade Organization) 

[16] [17] Nông Quốc Bình (Chủ biên), Giáo trình Luật Thương mại Quốc tế (Tái bản lần thứ 12 có sửa đổi, Nhà xuất bản Công an Nhân dân 2018), tr. 109.

[18] ‘Trợ cấp và thuế chống trợ cấp’ (Trung tâm WTO Việt Nam) 

[22] [25] [26] [27] Hiệp định về biện pháp tự vệ, Điều 2(1), Điều 5, Điều 6. 

[24] ‘Biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế’ (Trung tâm WTO Việt Nam) <https://trungtamwto.vn/upload/files/wto/4-cac-hiep-dinh-co-ban/1-3_tuve.pdf>. Truy cập ngày 23/02/2025.

[28] [29] [31] [32] [33] [34] [35] Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp, Điều 3(7), Điều 22(2), Điều 22(3), Điều 22(4), Điều 22(5), Điều 23. 

[36] Đạo luật Thương mại năm 1974, Mục 201.

[37] USITC, US Safeguard Investigations under Section 201 of the Trade Act of 1974 (USITC) <https://www.usitc.gov/press_room/us_safeguard.htm>. Truy cập ngày 26/3/2025.

[38] Douglas A. Irwin, Causing Problems? The WTO Review of Causation and Injury Attribution in U.S. Section 201 Cases, trang 299.

[39] USTR, Section 201 Cases: Imported Large Residential Washing Machines and Imported Solar Cells and Modules,  <https://ustr.gov/sites/default/files/files/Press/fs/201%20Cases%20Fact%20Sheet.pdf>. 

[40] Trung tâm nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Section 201 Safeguards on Solar Products and Washing Machines (2018), <https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IN/IN10856>. Truy cập ngày 16/3/2025.

[41] [42] [43] Trung tâm nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Section 301 of the Trade Act of 1974 (2024), 

[44]  JereHoa Kỳ Diamond, ‘Trump hits China with tariffs, heightening concerns of global trade war’, CNN (28/03/2018),  

[45] [85] Julia Ya Qin, ‘WTO Reform: Multilateral Control over Unilateral Retaliation - Lessons from the US-China Trade War’ (2020), 12(2) TRADE L.&DEV.456, 

[46] Phụ lục C, tại 9 (báo cáo ước tính của Ủy ban về Trộm cắp Sở hữu trí tuệ (Ủy ban IP). Xem thêm: Julia Ya Qin, ‘WTO Reform: Multilateral Control over Unilateral Retaliation - Lessons from the US-China Trade War’ (2020), 12(2) TRADE L.&DEV.456, trang 462,

[47]  WTO, GATT 1994 – Article XX – Jurisprudence (WTO), đoạn 44,  <https://www.wto.org/english/res_e/publications_e/ai17_e/gatt1994_art20_jur.pdf>.

[48]  Điều XX(a) Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (GATT) quy định về việc các quốc gia thành viên WTO được quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ giá trị đạo đức xã hội, ngay cả khi những biện pháp này có thể đi ngược lại nguyên tắc không phân biệt đối xử của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Tuy nhiên, việc áp dụng này phải đảm bảo tính hợp lý, không mang tính tùy tiện hoặc được sử dụng như một công cụ trá hình để cản trở hoạt động thương mại quốc tế.

[49] [50] WTO, Vụ Hoa Kỳ — Biện pháp thuế quan đối với một số hàng hóa từ Trung Quốc, WT/DS543/R, Phán quyết

[51] [52]  WTO, Vụ Hoa Kỳ — Biện pháp thuế quan đối với một số hàng hóa từ Trung Quốc,  DS 543,

[53] Nguyễn Quỳnh Diệp và Tăng Bảo Đan, Khủng hoảng hệ thống giải quyết tranh chấp và hệ quả với thương mại toàn cầu (5 tháng 11 năm 2023, cập nhật 19 tháng 2 năm 2024), <https://www.juris-exploratores.org/post/22-khủng-hoảng-hệ-thống-giải-quyết-tranh-chấp-và-hệ-quả-với-thương-mại-toàn-cầu>. Truy cập ngày 26/3/2025. 

[54] [55]  U.S. Department of Defense, 'Restoring America's Maritime Dominance' (15 April 2025) <https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/15/2025-06465/restoring-americas-maritime-dominance>. Accessed 28 April 2025.

[56] Daniel Michaels, 'Fear That China Rules the Waves Jolts U.S. to Pursue Maritime Revival' (The Wall Street Journal, 26 January 2025) <https://www.wsj.com/politics/national-security/fear-that-china-rules-the-waves-jolts-u-s-to-pursue-maritime-revival-2c4bd8ab>. Truy cập ngày 28/4/2025.

[57] Executive Order 14276 90 FR 16993 (April 17, 2025) <https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/22/2025-07062/restoring-american-seafood-competitiveness> truy cập ngày 02/5/2025.

[58] [59] [60] Hoa Kỳ, ‘2024 Report on WTO Compliance of the United States’ (9/2024), 

[61] Kể từ năm 2017, chính phủ Hoa Kỳ đã khởi xướng chín cuộc điều tra theo Điều 232 (xem Bảng 1), chiếm hơn một phần tư tổng số cuộc điều tra theo Điều 232 được khởi xướng kể từ năm 1963; xem thêm: Hoa Kỳ, ‘2024 Report on WTO Compliance of the United States’ (9/2024), 

[62] [90] The White House, 'Fact Sheet: President Donald J. Trump Ensures National Security and Economic Resilience Through Section 232 Actions on Processed Critical Minerals and Derivative Products' (15 April 2025), <https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-ensures-national-security-and-economic-resilience-through-section-232-actions-on-processed-critical-minerals-and-derivative-products/>. Truy cập ngày 28/4/2025.

[63] U.S. Department of Commerce, Bureau of Industry and Security, 'Notice of Request for Public Comments on Section 232 National Security Investigation of Imports of Semiconductors and Semiconductor Manufacturing Equipment' (16 April 2025) <https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/16/2025-06591/notice-of-request-for-public-comments-on-section-232-national-security-investigation-of-imports-of>. Truy cập ngày 28/4/2025.

[64] The White House, 'Fact Sheet: President Donald J. Trump Adjusts Imports of Automobiles and Automobile Parts into the United States' (26 March 2025) <https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/03/fact-sheet-president-donald-j-trump-adjusts-imports-of-automobiles-and-automobile-parts-into-the-united-states/>. Truy cập ngày 28/4/2025.

[65] DOC, ‘Notice of Request for Public Comments on Section 232 National Security Investigation of Imports of Semiconductors and Semiconductor Manufacturing Equipment’ (April 16, 2025) <https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/16/2025-06591/notice-of-request-for-public-comments-on-section-232-national-security-investigation-of-imports-of>. Truy cập ngày 02/5/2025.

[66] [67] [68] [85] [86] Rita Liu, ‘The Application of the International Emergency Economic Powers Act in the U.S.-China Trade War: Can A President Order U.S. Companies Out of China’, <https://journals.library.wustl.edu/globalstudies/article/8686/galley/25483/view/>. 

[69] 50 U.S. Code Chapter 35 - International Emergency Economic Powers Act (IEEPA), § 1701, 1702; Madeleine Ngo, ‘What Is the International Emergency Economic Powers Act?’ The New York Times (February 2, 2025) <https://www.nytimes.com/2025/02/02/us/politics/trump-tariffs-ieepa.html>. Truy cập ngày 02/5/2025.

[70] de minimis - "de minimis non curat lex", có nghĩa là "luật pháp không quan tâm đến những điều nhỏ nhặt": thuật ngữ dùng để chỉ các lô hàng có giá trị thấp, thường được miễn thuế và các thủ tục hải quan phức tạp. Mức giá trị de minimis có thể khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng mục đích chung là giảm bớt gánh nặng hành chính và chi phí cho các lô hàng nhỏ lẻ.

[71] Casey, Christopher A., ‘The International Emergency Economic Powers Act (IEEPA), the National Emergencies Act (NEA), and Tariffs: Historical Background and Key Issues’ (03/02/2025), <https://www.congress.gov/crs-product/IN1112>. Truy cập ngày 16/3/2025.

[72]  Cục quản lý thương mại quốc tế Hoa Kỳ, ‘Giá trị De Minimis’, <https://www.trade.gov/de-minimis-value>. Truy cập ngày 16/3/2025.

[73] Máy tính thuế hải quan Hoa Kỳ, < https://importdutycalculator.com/us-customs-duty-calculator/>. Truy cập ngày 16/3/2025.

[74] Jessica Lynd, Allison Kepkay, Ian Saccomanno, ‘United States Begins to Restrain Cross-Border E-commerce’ (13/02/2025), <https://www.whitecase.com/insight-alert/united-states-begins-restrain-cross-border-e-commerce>. 

[75] [87] The White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Declares National Emergency to Increase Our Competitive Edge, Protect Our Sovereignty, and Strengthen Our National and Economic Security’ (The White House, 2 April 2025) <https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-declares-national-emergency-to-increase-our-competitive-edge-protect-our-sovereignty-and-strengthen-our-national-and-economic-security/?utm>. Truy cập ngày 28/4/2025.

[76] Andrea Shalal, ‘EU's Dombrovskis says EU prefers negotiated solution on trade with US’ (Reuters, 23 April 2025), <https://www.reuters.com/world/eus-dombrovskis-says-eu-prefers-negotiated-solution-trade-with-us-2025-04-23>. Truy cập ngày 28/4/2025.

[77] Bộ Tài chính Trung Quốc, '关于对美国部分商品加征关税的公告' (9 tháng 4 năm 2025) <https://gss.mof.gov.cn/gzdt/zhengcefabu/202504/t20250409_3961684.htm>. Truy cập ngày 28/4/2025. 

[78] Sabrina Willmer, ‘Trump Is Using Emergency Law to Impose Tariffs. Is That Legal?’ Bloomberg (April 25, 2025) <https://www.bloomberg.com/news/articles/2025-04-24/trump-tariffs-face-new-lawsuits-what-to-know>. Truy cập ngày 02/5/2025.

[79] [80] Kim, J., “Recent Trends in Export Restrictions” (19/7/2010), OECD Trade Policy Papers, No. 101, OECD Publishing, Paris. <http://dx.doi.org/10.1787/5kmbjx63sl27-en>. 

[82] Cục Công nghiệp và An ninh Văn phòng Quốc hội và Công chúng Hoa Kỳ, ‘Commerce Strengthens Export Controls to Restrict China’s Capability to Produce Advanced Semiconductors for Military Applications’ (02/02/2024),

[83] Vụ Nga - Các biện pháp giao thông quá cảnh, <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/cases_e/ds512_e.htm>. 

[84] Maxim Epstein, ‘US-China Trade Relations as it Relates to Section 301 of the 1974 USTR and IPR’ (2024), Vol.2 Art.3, trang 42, <https://cupola.gettysburg.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1024&context=gjpp>.

[89] Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện, 'Thông báo về việc điều chỉnh mức thuế đối với hàng hóa có xuất xứ từ Hoa Kỳ' (Thông báo số 6, ngày 11 tháng 4 năm 2025) <https://gss.mof.gov.cn/gzdt/zhengcefabu/202504/t20250411_3961823.htm>. Truy cập ngày 28/4/2025.

 












Comments


bottom of page